Bao nhiêu tuổi thì ăn được nhung hươu?

 Nhưng huơu là gì và có công dụng gì?

Nhung hươu nai là sừng của hươu đực hay nai đực. Hàng năm, vào cuối mùa hạ, sừng hươu, nai rụng đi, mùa xuân năm sau mọc lại sừng mới. Sừng mới mọc rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông, sờ vào êm như nhung nên gọi là nhung hươu nai, bên trong chứa nhiều mạch máu. Nhung có thể chưa phân nhánh hoặc có nhánh, còn gọi là nhung yên ngựa (nhung mới bắt đầu phân nhánh, còn ngắn, bên dài bên ngắn).

Huyết nhung và nhung yên ngựa là quí nhất. Nhung cắt xong cần chế biến ngay, để lâu sẽ thối rữa. Người ta đã phân tích được thành phần hóa học của nhung hươu nai, gồm canxi cacbonat, canxi phosphas, chất keo, protid, kích tố (testosteron, pentocrin…), acid amin (hơn 17 loại).

Theo Tây y, nhung hươu giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, lợi niệu và tăng nhu động dạ dày – ruột, chuyển hóa tốt protid và glucid… Liều mạnh gây hạ huyết áp, làm tim co bóp mạnh, đập nhanh, giật cơ, co giật hay đông huyết.

Theo y học cổ truyền Việt Nam, nhung có tác dụng sinh tinh, bổ tủy, ích huyết; chữa các chứng hư tổn cơ thể, di tinh, liệt dương, vô sinh, bệnh lậu, giúp khỏe gân xương, tăng tuổi thọ… Từ lâu đời, các thầy thuốc Đông y Trung Quốc và Nhật đã dùng nhung như vị thuốc bổ, giúp cơ thể lâu già, chống co giật, chữa ung bướu, thấp khớp.

Nhung hươu nai tuy bổ nhưng không phải ai cũng dùng được. Những người không được dùng là: người gầy, trong mình nóng, thiếu máu hay mất máu nhưng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường, viêm phế quản, khạc đờm vàng, sốt, bệnh truyền nhiễm.

Theo Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Hướng (Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam), nhung hươu là sừng non của hươu đực, hoặc con nai (mê). Nhiều nghiên cứu cả Đông và Tây y cho thấy, lộc nhung có tác dụng giúp người bệnh ngủ ngon, giảm mệt mỏi, tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp vết thương chóng lành. Đặc biệt, nhung hươu rất tốt với các chứng bệnh như tim, nhược năng, bệnh thần kinh thực vật… Ngoài ra, nhung hươu còn giúp da dẻ đẹp vì bổ khí huyết, điều hòa cơ thể… do trong nhung hươu chứa 52,5% protid, 2,5% lipid, chất keo (keratin), 34% muối khoáng và một chất nội tiết tố (hormon) gọi là lộc nhung tinh.

Bao nhiêu tuổi được sử dụng nhung hươu là tốt nhất?

Theo y học cổ truyền, nhung hươu là một trong 4 dược liệu quý (nhân sâm, lộc nhung, nhục quế, bạch phụ tử) có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng và chữa bệnh hàng đầu cho con người. Nhung hươu có vị ngọt, tính ấm, vào 4 kinh: can, thận, tâm, tâm bào, có tác dụng ôn thận, tráng dương, bổ tinh khí, bổ máu, làm mạnh gân xương, làm giảm quá trình lão hóa, kéo dài tuổi thọ.

Nhung hươu được sử dụng cho mọi lứa tuổi

Theo y học cổ truyền nhung hươu dùng tốt cho bệnh nhân thể hư hàn: sợ lạnh, tiểu đêm nhiều, nước tiểu trong dài, đau lưng mỏi gối, ra mồ hôi nhiều, hoa mắt chóng mặt, đau đầu mất ngủ, đại tiện lỏng… Các trường hợp thể hư nhiệt: sợ nóng, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, tiểu ít vàng đỏ, táo bón không nên dùng. Còn theo Tây y, nhung hươu có tác dụng bổ toàn thân, sảng khoái tinh thần, làm vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, tạo huyết, bổ tim, ảnh hưởng tốt đến chuyển hóa các chất protid, glucid… dùng chữa các chứng bệnh do thận dương không đủ, nam giới liệt dương, đái són, váng đầu, đau lưng, mỏi gối, trẻ em chậm lớn, phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều, chảy máu tử cung, bạch đới… Như vậy, nhung hươu có thể sử dụng được cho mọi lứa tuổi chứ không nhất thiết phải là người già.

Lưu ý khi sử dụng nhung hươu cho thiếu niên

Tuy nhiên, do được liệt vào loại thuốc bổ nên việc sử dụng cần được hướng dẫn bởi thầy thuốc, không thể dùng tùy tiện. Các nghiên cứu y học cho thấy thận trọng khi dùng nhung hươu ở lứa tuổi thiếu niên trở xuống bởi nó có thể kích thích TD và làm trẻ phát dục sớm. Nhung hươu có tác dụng tốt với bệnh nhân suy nhược thần kinh, trầm cảm, suy cơ tim, gầy yếu, huyết áp thấp và nhung hươu cũng có kết quả tốt với phụ nữ rối loạn tim mạch thời kỳ tiền mãn kinh, tăng tạo xương và giảm tình trạng, tốc độ loãng xương.

Nhung hươu tươi nên bảo quản trong ngăn đá lạnh, riêng nhung hươu khô nên bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc làm hư hoặc biến đổi chất. Nhung hươu được khuyến cáo cẩn trọng khi dùng cho người bệnh cao huyết áp, trẻ nhỏ. Vì vậy, khi cần sử dụng cho những đối tượng này nên tham vấn thầy thuốc.

Các bài thuốc có nhung hươu:

Chữa liệt dương, xuất tinh sớm, tiểu lắt nhắt, thai khó đậu, tứ chi lạnh, thắt lưng đau, gối mỏi: Nhung hươu 40 g (thái mỏng, giã nát), hoài sơn 40 g (giã nát). Cho vào túi vải, ngâm với 1 lít rượu trong 7 ngày, uống 10-20 ml/ngày. Khi hết rượu lấy bã tán mịn, vò viên uống.

Chữa tinh huyết khô kiệt, tai điếc, miệng khát, đau lưng, tiểu như nước vo gạo: Nhung hươu 40 g, đương qui 40 g, cả 2 sao khô, tán bột. Lấy thịt ô mai nấu thành cao trộn với bột trên, vo viên bằng hạt bắp, người lớn uống 50 viên/ngày, chia thành 2-3 lần, uống với nước cơm còn ấm.

Chữa trẻ em chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng: Bột nhung 0,5 g x 2 lần/ngày. Giúp kéo dài tuổi thọ (dùng thường xuyên và đúng chỉ định): Bột nhung 0,3-1 g x 2-3 lần/ngày.

Để nhận biết nhung thật, sơ bộ có thể xem chỗ mặt cắt. Mặt cắt nhung thật sạch, trắng, có lỗ nhỏ như tổ ong, rìa ngoài không có chất xương, mùi tanh, vị mặn.

Cách chọn và chế biến nhung hươu

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Cổ phần hươu giống Hương Sơn – Hà Tĩnh), trên thị trường có nhiều loại nhung, giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/lạng. Tuy nhiên, chất lượng nhung tùy thuộc vào chủng loại, hình dáng, độ sinh trưởng, cách chế biến, bảo quản nhung. Lộc hươu từ khi mọc đến lúc cắt khoảng 50 – 55 ngày là tốt. Con hươu béo khoẻ 2-4 tuổi, ngực nở, bụng thon, lông mịn màng, mắt sáng sẽ cho chất lượng nhung tốt.

Anh Tuấn cho biết thêm, loại nhung tốt là huyết nhung được cắt khi sừng non chuẩn bị phân yên. Loại nhung này thân ngắn, mềm, mọng, da hồng, đầu tù, lông rất mịn và thưa. Ngoài ra, có thể chọn nhung yên ngựa (sừng non bắt đầu phân nhánh chưa thành sừng, bên ngắn, bên dài 5 – 15 cm như hình yên ngựa); nhung gác sào I (sừng non đã mọc nhánh phụ thứ nhất, lông cứng và dày, đầu bè ra); nhung gác sào II (sừng đã mọc thêm nhánh phụ thứ hai). Nhung hươu quý hơn nhung nai.

Ông Nguyễn Văn Trịnh, chủ trang trại nuôi hươu Trịnh Thiện (Vũ Thư, Thái Bình), cho biết, để lựa chọn được nhung hươu tốt nên mua sừng non khi mới mọc dài 5-10cm, rất mềm, sờ mịn như nhung. Nhung hươu cưa xong cần được chế biến ngay, vì để lâu nhung sẽ bị thối, hỏng. Nên mua tại trang trại để giám sát và chế biến ngay. Nếu chế biến không đúng thì mất tác dụng. Muốn ngâm rượu, cần làm sạch lông tơ của nhung bằng cách nung đỏ một que sắt rồi lăn đi lăn lại cho cháy hết lông hoặc đốt với cồn 90 độ cho sạch lông, rồi lau sạch bằng rượu gừng (có thể nhúng nước sôi cạo sạch, để khô, thái mỏng bằng dao cầu). Nếu nhung quá cứng có thể đồ cho mềm rồi thái. Hoặc tẩm nhung vào rượu cho mềm, thái mỏng, sấy khô.

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Hướng cho biết, chế biến nhung thành thuốc để dùng lâu dài không khó, nhưng rất kỳ công. Dù tán bột mịn rồi dùng với vài vị thuốc Đông y, hay nghiền nát trộn với bột dược liệu thành viên, hoặc thái mỏng ngâm rượu, mật ong, hoặc nấu cháo… thì trước khi dùng cũng phải có chỉ định liều lượng rõ ràng của bác sĩ để an toàn cho sức khỏe người dụng.

Theo suckhoedoisong, nguoilaodong

04/03/2019

Khách hàng chính

     
Lộc Nhung Đồng Nai