Nhung hươu trợ dương, ích tinh

Giêng hai là mùa thu hoạch nhung hươu. Ở nước ta, nhiều nơi nuôi hươu, nai lấy nhung: Lâm Đồng, Biên Hòa, Hà Tĩnh, Ninh Bình… giúp nguồn cung dược liệu khá dồi dào, người nuôi có thể làm giàu.

Tuy việc nuôi nhung khá phát triển nhưng đáng tiếc giá dược liệu này vẫn còn cao so với thu nhập chung nên không có nhiều người đủ điều kiện mua chúng để bồi bổ sức khỏe hay điều trị bệnh.

Lợi ích nhung hươu

Nhung hươu còn gọi là lộc nhung, thanh mai nhung, ban long châu... là sừng non chưa cốt hóa của hươu sao, hươu ngựa đực. Nhung hươu được coi là một trong bốn thượng dược (sâm, nhung, quế, phụ), có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng và chữa bệnh hàng đầu cho con người.

Theo các chuyên gia y học cổ truyền, một cặp nhung tốt có bốn phần: nhung huyết ở phần đầu, rồi đến nhung lộc, nhung sương và nhung giác. Nhung giác ở phần cuối, khi dùng nhung phải đủ một cặp và có đủ cả bốn phần nói trên mới tốt, vì có đủ cả âm dương, khí huyết. Sừng nai thường gọi là “mê” không tốt bằng sừng hươu.

Theo y học cổ truyền, nhung hươu có vị ngọt mặn, tính ôn vào kinh thận, can, tâm và tâm bào lạc; có tác dụng bổ tinh ích khí trợ dương. Nhung hươu dùng để điều trị thận khí hư suy, người sức khỏe yếu nên hay mệt mỏi, chóng mặt hoa mắt, đau lưng mỏi gối, di tinh, hoạt tinh, xuất tinh sớm, dương vật không cương cứng, lãnh cảm tình dục; phụ nữ kinh nguyệt không đều, băng huyết, rong huyết, khí hư, khô âm đạo...

Nhung hươu được coi là một trong bốn thượng dược

Hải Thượng Lãn Ông đánh giá nhung hươu: “Tính con hươu vốn dâm mà không bao giờ khí lực suy yếu, cho nên khi mọc sừng chưa đủ hai tháng đã lớn và dài, nặng đến hàng cân (một cân bằng 500g), sự sinh trưởng lạ lùng đó không có con gì bằng”. Danh y kết luận sau nhiều năm nghiên cứu: “Nhung hươu có tác dụng bổ tinh huyết và khí nguyên dương rất nhanh, người do thận hư đi tiểu đêm nhiều, đau lưng, hai đầu gối yếu, đi lại khó khăn. Sinh hoạt tình dục kém dùng rất tốt. Nhung hươu có tác dụng làm đầy tinh, huyết một cách nhanh chóng, làm cho khí nguyên dương đầy nhưng không đi càn, nên chữa chứng di tinh rất hay. Phụ nữ mắc chứng băng huyết, rong huyết. Điều hòa thân nhiệt nên trị chứng đau nhức trong xương sinh ra chứng âm thư (viêm cơ). Là vị thuốc cốt yếu để đào thải huyết cũ sinh huyết mới”…

Chế biến và cách dùng nhung hươu

Chế biến nhung hươu theo hai cách: chế biến tươi hoặc khô. Nhung hươu (sừng non) trước khi chế biến cần hơ qua lửa để lông khô, cháy bớt, lau sạch; thái lát rồi ngâm rượu. Cũng có thể ngâm cả sừng không cần thái lát. Cứ 1 lít rượu trắng ngâm 200 - 300g nhung hươu; ngâm 7 ngày là dùng được; mỗi ngày dùng 2 ly nhỏ. Rượu nhung hươu tráng dương tư âm, dùng cho những người mắc chứng bất lực, khó thụ thai do chất lượng và số lượng tinh trùng suy giảm, giảm sút ham muốn và khoái cảm tình dục. Nếu không uống được rượu, lấy rượu nhung hòa với mật ong để uống. Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa không nên ngâm sừng hươu với mật ong vì như vậy nhung không tiết ra.

Cách chế biến nhung hươu sấy khô.Cắt lát sao khô dòn, xay nhỏ nấu với cháo trắng, ngày ăn 1 lần, mỗi lần khoảng 5 - 10g (cháo gần chín mới bỏ nhung hươu). Cháo nhung hươu có công dụng: Ích nguyên khí, bổ ngũ tạng. Thích hợp với người già yếu, có các chứng suy yếu khí huyết và tân dịch như ngũ tạng suy nhược, mỏi mệt hư tổn, ăn uống không ngon miệng, mất ngủ, hay quên, hoạt động sinh dục suy yếu…

Các thầy thuốc thường dùng nhung hươu kết hợp với một số vị thuốc khác trong điều trị bệnh.Trong điều trị hiếm muộn nam, chúng tôi dùng bài thuốc Minh Mạng thang ngâm rượu có dùng nhưng hươu để tăng dược tính.Bài thuốc bổ có thêm nhung hươu khiến dược lực mạnh hơn, thận khỏe, cường dương và dễ sinh tinh hơn, tinh trùng khỏe hơn nên dễ có con hơn.

Tuy nhiên, khi dùng nhung hươu như là một vị thuốc cần có sự tư vấn của thầy thuốc có kinh nghiệm, để tránh dùng quá liều, dùng không đúng. Người cao huyết áp không nên dùng hoặc phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Chú ý: để ngăn đá lạnh đối với nhung hươu tươi.

BS. NGUYỄN PHÚ LÂM

16/12/2020

Khách hàng chính

     
Lộc Nhung Đồng Nai